Hôn nhân là yếu tố khởi tạo nên gia đình, vợ chồng cùng có trách nhiệm đóng góp xây dựng để hôn nhân được bền vững, cụm từ trách nhiệm liên đới của vợ chồng nhận được rất nhiều sự quan tâm. Vậy, trách nhiệm liên đới là gì? Vợ chồng có phải chịu trách nhiệm liên đới với nhau hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên, mời bạn đọc tham khảo.
1. Trách nhiệm liên đới là gì?
- Trách nhiệm liên đới là việc hai hay nhiều người cùng nhau chịu trách nhiệm/bồi thường thiệt hại đối với hậu quả họ gây ra.
- Trách nhiệm của từng người được xác định dựa trên mức độ lỗi tương ứng, trong trường hợp không xác định được thì trách nhiệm sẽ được chia đều.
2. Khi nào vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới
Vợ chồng phải cùng nhau chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau:
- Trường hợp 1. Đối với các giao dịch do một bên vợ/chồng thực hiện, bao gồm:
- Giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Ví dụ: vợ/chồng vay nợ để trả tiền điện, nước, tiền thuê nhà hằng tháng thì vợ chồng có nghĩa vụ phải trả nợ chung;
- Giao dịch do vợ/chồng ủy quyền cho nhau/đại diện xác lập. Ví dụ: vợ hoặc chồng ủy quyền cho nhau sang tên sổ đỏ cho người thứ ba nhằm vay tiền;
- Giao dịch do vợ/chồng thực hiện trong quá trình hoạt động kinh doanh. Ví dụ: vợ/chồng vay nợ để thanh toán hóa đơn nhập nguyên vật liệu kinh doanh cho quán nước vợ chồng cùng kinh doanh;
- Giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác do vợ/chồng đại diện thực hiện. Ví dụ: vợ hoặc chồng vay nợ ngân hàng để mua nhà chung.
- Trường hợp 2. Vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ sau:
- Nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận do hai vợ chồng cùng xác lập liên quan đến các vấn đề như tài sản chung, thế chấp tài sản, vay tiền… Ví dụ: cùng nhau trả tiền lãi định kỳ cho ngân hàng khi vợ chồng vay để mua xe;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm mục đích thiết yếu cho gia đình. Ví dụ: cùng nhau trả tiền vay với mục đích đóng tiền học phí cho con đi học;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc vợ hoặc chồng dùng tài sản riêng để duy trì, củng cố và phát triển tài sản chung của hai vợ chồng. Ví dụ: chồng thế chấp căn nhà là tài sản trước hôn nhân để có vốn kinh doanh chung vợ chồng thì vợ phải có trách nhiệm liên đới cùng chồng trả lãi định kỳ…;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, định đoạt tài sản chung. Ví dụ: vợ chồng cùng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chồng lái xe ô tô (tài sản chung) gây tai nạn.
- Trường hợp 3. Vợ chồng cùng chịu trách nhiệm trong trường hợp con cái dưới 18 tuổi gây ra hậu quả, nhưng con không có hoặc không đủ tài sản để đền bù chịu trách nhiệm.
- Trường hợp 4. Các giao dịch liên quan đến tài sản của con, vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu:
- Giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con và con là người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
- Cha mẹ thỏa thuận đưa vào kinh doanh các tài sản liên quan đến bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản.
>> Xem thêm: Tư vấn đăng ký kết hôn Online
3. Một số câu hỏi thường gặp về trách nhiệm liên đới của vợ chồng
3.1. Chồng đánh bạc thua, vợ có trách nhiệm trả nợ chung không?
Không. Việc người chồng đánh bạc thua gây nợ không phải là giao dịch nhằm đáp ứng các điều kiện thiết yếu cho gia đình. Vì vậy, người vợ không có trách nhiệm trả nợ chung cho chồng thua nợ cờ bạc.
3.2. Vợ có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho chồng không?
Có 02 trường hợp.
- Trường hợp 1: Vợ phải trả nợ thay cho chồng nếu khoản vay phục vụ nhu cầu chung hoặc vợ chồng có thỏa thuận (thuộc 4 trường hợp nêu trên – mục 2).
- Trường hợp 2: Vợ không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho chồng nếu việc vay mượn đáp ứng nhu cầu riêng như bài bạc, lô đề…(không thuộc 04 trường hợp nêu trên – mục 2).
3.3. Chồng vay tiền mua nhà chung, vợ phải cùng chồng trả tiền không?
Có. Chồng vay tiền để mua nhà chung, là giao dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho gia đình, giao dịch không nhằm mục đích riêng cho người chồng. Vì vậy, trong trường hợp này, người vợ phải cùng chồng trả tiền.
3.4. Vợ giật hụi, chồng có trách nhiệm trả nợ không?
Có 02 trường hợp
- Trường hợp 1: Có. Nếu số tiền vợ giật hụi được sử dụng vào mục đích chung, cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho gia đình thì người chồng phải có trách nhiệm bồi thường.
- Trường hợp 2: Không. Nếu người chồng chứng minh được vợ sử dụng số tiền đó vào mục đích riêng, không thuộc các trường hợp vợ chồng liên đới chịu trách nhiệm, thì người chồng không cần phải trả số tiền vợ giật hụi đó.
3.5. Chồng dùng tài sản riêng để mở quán kinh doanh nhằm tạo thu nhập cho gia đình, khi thua lỗ vợ có phải cùng trả nợ không?
Có. Chồng dùng tài sản riêng để mở quán kinh doanh nhằm tạo thu nhập cho gia đình, hành động này nhằm vào mục đích chung, tạo thêm thu nhập, vì vậy vợ phải cùng chồng trả nợ.
Trách nhiệm liên đới của vợ chồng là một vấn đề quan trọng và thường trực trong cuộc sống. Vì vậy, nếu anh chị có bất cứ thắc mắc hay khó khăn nào liên quan đến trách nhiệm liên đới của vợ chồng, hãy liên hệ ngay với Luật sư An Tâm để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời.
– Ngọc Hà (Được sự cố vấn của LS. Diếp Quốc Hoàng) –
Bài viết hữu ích: